“Chỉ cần in được áo là được!”
Chắc bạn đã từng nghe câu nói này từ một người sắp mở cửa hàng bán áo thun. Hoặc có thể chính bạn đã từng nói như vậy cũng nên.
Cảm giác háo hức khi có ý tưởng cho các mẫu thiết kế đang nhen nhóm lên trong bạn sẽ nhanh chóng tan biến khi bạn phải đối mặt với những vấn đề mang tính kĩ thuật. Câu hỏi đầu tiên bạn phải đặt ra đó là: Mình cần chọn phương pháp in áo thun nào?
Trên thị trường có rất nhiều lựa chọn, nhưng phổ biến nhất vẫn là in lụa và in trực tiếp lên vải (hay còn gọi là in kỹ thuật số DTG, viết tắt của direct-to-garment). Việc lựa chọn đúng phương pháp in chính là viên gạch đầu tiên đặt nền móng thành công cho gian hàng online của bạn, giúp bạn đạt được sự hài lòng của khách hàng, tiết kiệm chi phí, và giúp bạn nhân rộng quy mô về sau.
Do đó, bạn cần phải nghiên cứu và lựa chọn phương pháp in bằng cách đặt ra các câu hỏi, ví dụ:
- Hình thức này có phù hợp với các mẫu in không?
- Mức độ tiết kiệm chi phí?
- Mức độ thân thiện với môi trường?
Trong bài viết này, hãy cùng so sánh sự khác nhau giữa in DTG và in lụa, các loại thiết kế nào sẽ phù hợp với từng phương pháp, và tính bền vững của cả hai hình thức in ấn này nhé.
Danh mục nội dung
In lụa là gì, cách thức hoạt động như thế nào?
Khi in lụa, mực được ép lên vải qua một tấm màng lụa (hay còn gọi là khuôn lưới). Mực không thấm vào vải mà sẽ nằm lên trên bề mặt sản phẩm.
Với hình thức in lụa, mỗi yếu tố trong mẫu in của bạn sẽ cần một tấm màng riêng. Sau khi tạo xong các khuôn lưới, màu sắc và các yếu tố trong mẫu thiết kế sẽ được in lên vải theo từng lớp. Mẫu càng có nhiều lớp thì càng tốn thời gian in và hình in lên sản phẩm sẽ càng dày.
Do công đoạn chuẩn bị tốn thời gian, in lụa chủ yếu được dùng để in số lượng lớn. Nếu phải tốn hàng tiếng đồng hồ tạo khuôn chỉ để in một hay hai chiếc áo thì sẽ không hiệu quả về mặt chi phí.
Loại mẫu thiết kế nào sẽ phù hợp nhất với in lụa?
In lụa phù hợp với các thiết kế có mảng lớn, không có nhiều chi tiết nhỏ, ví dụ như các mẫu chữ cơ bản, các thiết kế hình học, biểu tượng và hình khối. Lý do là vì sẽ mất nhiều thời gian để làm khuôn cho các mẫu in phức tạp và cũng sẽ rất khó để in chính xác các chi tiết tỉ mỉ.
Do in riêng từng màu nên in lụa cũng thường được dùng cho các mẫu thiết kế có ít màu. Nhà in cũng thường giới hạn số lượng màu trong mỗi thiết kế, và thường sẽ không được quá 9 màu.
In lụa có thân thiện với môi trường không?
Là chủ cửa hàng bán áo, bạn cũng nên biết việc kinh doanh của mình tác động ra sao tới môi trường. Vì vậy cần phải quan tâm đến tính bền vững của từng phương pháp in.
Những người sử dụng phương pháp in lụa thường đặt in sỉ và bao giờ có khách đặt thì sẽ gửi hàng cho khách. Vì thế rất dễ dẫn tới sản xuất thừa – một trong những vấn đề chính mà phong trào thời trang bền vững đang cố gắng xử lý.
Nếu bạn in ra nhiều và không bán được, các sản phẩm của bạn sẽ bị thải ra các bãi rác hoặc bị đốt và tạo thêm ô nhiễm.
Hơn nữa, in lụa tốn rất nhiều nước và thường dùng mực in plastisol không thể phân huỷ.
Chọn phương pháp in lụa có phù hợp với bạn không?
Với các mẫu thiết kế áo đơn giản (tốt nhất là chỉ có vài màu), in lụa sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí, nhưng vốn đầu tư ban đầu sẽ cao. Hầu hết các nhà in đều đặt ra số lượng tối thiểu cho các đơn hàng, từ 5 đến 100 chiếc.
Giá cuối cùng cho đơn hàng in lụa số lượng lớn được tính theo số màu của mẫu thiết kế và số khuôn lưới cần tạo. Cho nên, in lụa sẽ gây khó khăn về vốn nếu bạn chỉ vừa bắt đầu thử nghiệm các mẫu thiết kế.
Khi đặt in sỉ, bạn cũng cần phải tính xem cần cất số áo đã in ở đâu nếu không muốn áo chất từng chồng từng chồng trong nhà hay văn phòng. Điều này giới hạn số lượng thiết kế trong gian hàng vì mỗi mẫu bạn đều sẽ phải in số lượng lớn.
Bạn cũng cần tính xem mình có bán được hết số lượng áo đã in không, vì nếu không sẽ xả thêm rác vải ra môi trường. Những người mới bắt đầu kinh doanh sẽ khó dự đoán vì chưa hình thành tệp khách hàng.
Một số nhà in sẽ yêu cầu bạn gửi file in có chia lớp cho từng màu. Họ còn có thể yêu cầu bạn gửi các mã màu cần dùng cho mẫu in. Vậy nên nếu bạn đang tìm kiếm dịch vụ in theo kiểu “tải mẫu lên là xong” thì in lụa sẽ không phải lựa chọn phù hợp.
In trực tiếp lên vải là gì, cách thức hoạt động như thế nào?
In trực tiếp lên vải, hay còn gọi là DTG, là phương pháp in phun mực trực tiếp lên vải. Sau đó mực sẽ ngấm vào các sợi vải. Cũng giống như in lên giấy, nhưng ở đây chúng ta in lên vải.
Ưu điểm chính của in DTG chính là rất dễ in lẻ vì không cần khâu chuẩn bị. Giả sử gian hàng online của bạn kết nối với một nhà in DTG, khi khách hàng đặt một chiếc áo trong gian hàng, nhà in sẽ tự động nhận đơn, in mẫu thiết kế lên áo và gửi áo trực tiếp cho khách hàng kèm nhãn hiệu của bạn.
In DTG không cần vốn đầu tư ban đầu, mỗi sản phẩm đều được in chỉ khi có yêu cầu.
Khi in DTG, bạn vẫn có thể đặt in số lượng lớn nếu cần. Rất nhiều nhà in có khuyến mại cho các đơn in DTG số lượng lớn.
Loại mẫu thiết kế nào sẽ phù hợp nhất với in DTG?
Các máy in DTG đều có nhiều lựa chọn về màu sắc, giúp bạn in các mẫu nhiều chi tiết và hình in như ảnh thật mà không gặp giới hạn về màu sắc. Điều này rất quan trọng với các gian hàng muốn thử nghiệm đa dạng thiết kế và màu sắc.
Điều cần tránh khi in DTG đó là các mảng trong suốt. Các yếu tố có độ opaque dưới 100% không lên mực tốt khi in DTG – máy in sẽ cố gắng bù màu thiếu bằng cách loang mực ra, gây ra nhiều khoảng trống trên vải. Do đó, tối ưu nhất là dùng màu trơn và semi-transparent (bán trong suốt) với phương pháp halftone (nửa tông).
Ngoại trừ khuyết điểm đó ra thì bạn có thể in các mẫu và bảng màu với độ chi tiết tuỳ ý. Để ra sản phẩm tốt nhất, bạn nên sử dụng hệ màu RGB để thiết kế, hệ màu này thích hợp nhất với màu trong máy in DTG.
In kỹ thuật số DTG có thân thiện với môi trường không?
In DTG là mô hình kinh doanh bền vững hơn so với in lụa. Lý do chính là bởi in DTG cho phép in lẻ, giúp các gian hàng tránh được việc in thừa và giảm rác vải. Mỗi năm, ngành thời trang thải ra môi trường 92 triệu tấn vải, cho nên mô hình kinh doanh này sẽ thay đổi cuộc chơi.
Khi làm việc với nhà in, sản phẩm chỉ được in sau khi có khách đặt.
Thêm vào đó, nhiều nhà sản xuất máy in DTG luôn đề cao vấn đề bền vững khi tạo ra các công nghệ in ấn tiên tiến. Ví dụ, máy in Kornit sử dụng ít năng lượng hơn, giảm dấu vết carbon và thải ra lượng nước thải gần như bằng không
Hơn thế nữa, máy in Konit sử dụng mực nước gốc thực vật được tạo công thức, thử nghiệm và sản xuất ngay tại nhà máy của mình, giúp duy trì chất lượng cao của mực. Mực in không độc, không gây hại, có thể phân huỷ và không chứa các phụ phẩm từ động vật.
Chọn in DTG có phù hợp với cho việc kinh doanh áo thun của bạn không?
In DTG là một hình thức không mất quá nhiều công sức để chuẩn bị sản phẩm đưa tới tay khách hàng.
Hầu hết các nhà in không yêu cầu số lượng tối thiểu cho đơn hàng DTG, nên bạn sẽ không phải lo lắng về vấn đề lưu kho. Phương pháp in này cũng giúp các gian hàng sử dụng dịch vụ in theo yêu cầu.
Với in DTG, toàn bộ thiết kế sẽ được in trong cùng một lượt. DTG không đếm số lượng màu, không cần thời gian chuẩn bị, nên chỉ cần gửi file in là đơn hàng sẽ được thực hiện.
Phương pháp này giúp bạn thoải mái đưa ra các mẫu thiết kế hoặc thâm nhập các thị trường mới mà không mất tiền vốn. Nếu sản phẩm không bán được, bạn có thể ngừng mẫu đó hoặc đổi sang mẫu khác.
In kỹ thuật số DTG và in lụa: Phương pháp in áo nào tốt hơn?
In DTG và in lụa đều cho ra các hình in chất lượng cao, nhưng khác nhau về phương pháp và chi phí. In DTG dùng máy in phun mực vào vải, còn in lụa phủ từng lớp mực lên sản phẩm. Hơn hết, in DTG cho phép in theo yêu cầu và không cần vốn ban đầu, trong khi in lụa chỉ in số lượng lớn.
Nếu bạn vẫn chưa thể chọn được phương pháp in phù hợp, hãy tham khảo bảng sau:
In lụa | In DTG | |
Hình in chất lượng cao | Có | Có |
Thiết kế nhiều chi tiết | Không | Không |
Bảng màu không giới hạn | Không | Có |
Số lượng tối thiếu khi đặt hàng | Có | Không |
Thực hiện đơn theo yêu cầu | Không | Có |
Giảm giá khi in sỉ | Có | Có |
Cần đầu tư ban đầu | Có | Không |
Bền vững hơn | Không | Có |
Như bạn có thể thấy, để chọn được phương pháp in phù hợp không chỉ phải tính đến chi phí và thời gian.
Sáng suốt khi lựa chọn phương pháp in áo
Việc mở cửa hàng bán áo thun bằng phương pháp in DTG hay in lụa là tuỳ thuộc ở bạn. Trước khi đưa ra quyết định, hãy cân nhắc:
- Hình ảnh thương hiệu
- Độ phức tạp của mẫu thiết kế
- Nhu cần về số lượng sản phẩm
- Mức độ sẵn sàng đầu tư ban đầu
Nếu bạn muốn phát triển gian hàng của mình một cách dễ dàng, in DTG theo yêu cầu sẽ là lựa chọn phù hợp nhất. Phương pháp in này giúp việc giới thiệu các mẫu thiết kế mới trở nên dễ dàng hơn, không có rủi ro và không cần tính đến kho bãi hay phải tự gửi sản phẩm đến khách hàng.
Hợp tác với các nhà in DTG cũng giúp bạn có thêm thời gian thử nghiệm với marketing cũng như các thiết kế mới, và sgiúp bạn mang đến các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bạn đã có trải nghiệm gì với in DTG? Trải nghiệm đó như thế nào? Hãy chia sẻ với chúng tôi ở phần comment hoặc fanpage Xưởng Áo Trường Quân nhé!